Ngày 21/1, tại Hà Nội, Ủy ban Hòa bình Việt Nam (Ủy ban/UBHB VN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kế hoạch tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới và đề án “Chương trình giáo dục Hòa bình”.
Tại Hội nghị, ông Đồng Huy Cương - Tổng Thư ký Ủy ban đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và kế hoạch hoạt động năm 2021 của Ủy ban.
Trong năm 2020, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động lớn, sâu sắc. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát không chỉ lây nhiễm trên toàn thế giới mà còn làm bộc lộ và sâu sắc thêm các vấn đề và mâu thuẫn về chính trị, kinh tế, xã hội tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, Uỷ ban đã chủ động thích ứng, chuyển nhiều hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, phù hợp với mục tiêu, bối cảnh, tình hình, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Trong năm 2020, Uỷ ban đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã bầu ra Đoàn chủ tịch gồm 50 Ủy viên. Cơ cấu Đoàn Chủ tịch và Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2020-2025 theo hướng trẻ hóa, đa dạng hóa thành phần đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu.
Ủy ban cũng đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế, diễn đàn đa phương, trong đó đặc biệt là Hội nghị Thế giới chống bom A&H 2020 của Nhật Bản. Tại Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam chống vũ khí hạt nhân, thể hiện tình đoàn kết, sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với nạn nhân nguyên tử và các nạn nhân chiến tranh khác.
Hưởng ứng các cuộc vận động của Liên minh các tổ chức của các nạn nhân bom nguyên tử và khinh khí và GENSUIKYO, Ủy ban đã phối hợp với các Liên hiệp Hữu nghị và Uỷ ban Hoà bình các địa phương triển khai việc thu thập chữ ký để ủng hộ lời kêu gọi những nạn nhân sống sót sau thảm họa hạt nhân nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng số chữ ký đã thu thập được là 958.134 chữ ký. Đây là lần thứ hai, sau năm 2015, số lượng chữ ký ta thu thập được đứng ở top đầu các quốc gia trên thế giới.
|
Ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Năm 2021 dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục có những biến động phức tạp, dịch Covid-19 dự kiến sẽ còn ảnh hưởng tới các lĩnh vực trong đời sống xã hội toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Ủy ban xác định một số hoạt động trọng tâm như: chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới; tham gia tích cực vào các hoạt động trong khuôn khổ tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2021…
UBHB VN cũng tiếp tục tăng cường hiệu quả thực chất quan hệ với các tổ chức đối tác truyền thống và đối tác mới, thúc đẩy hiệu quả công tác thông tin – tuyên truyền và giáo dục hòa bình trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên. Tăng cường hiệu quả phối hợp các hoạt động của Ủy ban Hòa bình các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động tài trợ để bổ sung kinh phí phục vụ các hoạt động của Uỷ ban.
Xác định giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về hòa bình nói chung và hòa bình trong xã hội mới nói riêng, UBHB VN đã ra Đề án “Chương trình giáo dục hòa bình” cho nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiều hình thức và hoạt động phong phú.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kế hoạch tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới và đề án “Chương trình giáo dục Hòa bình”. Nhiều ý kiến cho rằng cần có bộ phận chuyên trách về giáo dục hòa bình để hệ thống hoá các hoạt động, xây dựng đề cương các hoạt động để triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phát triển các bộ sách về hòa bình, đăng tải và chia sẻ các bài viết về giáo dục hòa bình trên website của Uỷ ban cũng như các trang mạng xã hội để lan toả thông tin đến đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên các trường đại học…
|
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: TV) |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đánh giá cao các hoạt động của Uỷ ban ngày càng đi vào thực chất, có sức lan toả mạnh hơn.
Về phương hướng hướng, kế hoạch hoạt động, Chủ tịch VUFO cho rằng Ủy ban cần lên các kịch bản hoạt động trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và cả kịch bản dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời đề nghị Uỷ ban lựa chọn đa dạng các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động truyền thống, để người dân biết đến nhiều hơn các hoạt động của Ủy ban.
Đối với kế hoạch tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh VUFO xác định đây không chỉ là hoạt động của Ủy ban mà là hoạt động đa phương của đối ngoại nhân dân cả nước trong năm 2021. Vì vậy, VUFO sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng đề án cụ thể để tổ chức diễn đàn này.
Chủ tịch VUFO cũng bày tỏ sự nhất trí cao với cách đề cập của Ủy ban khi xác định giáo dục văn hoá hòa bình là nhiệm vụ của Uỷ ban. Để thực hiện đề án, bên cạnh các hoạt động Uỷ ban có thể chủ động tổ chức, cần kết hợp với các tổ chức địa phương, Giáo hội Phật giáo… tổ chức rộng rãi các hoạt động để nhận thức của người dân về hòa bình có thể lan toả sâu hơn và rộng hơn.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: TV) |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu về đề án Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hoà bình thế giới và đề án Chương trình giáo dục hòa bình.
Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam nhấn mạnh để chuẩn bị tốt cho Đại hội lần thứ 22 cần thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức để chuẩn bị các nội dung cụ thể và chi tiết cho sự kiện quan trọng này… Về thời điểm tổ chức, tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19, nếu kiểm soát tốt có thể tổ chức cuối năm nay, nếu dịch có những diễn biến phức tạp có thể phải lùi sang năm sau hoặc tổ chức trực tuyến.
Đối với đề án “Chương trình giáo dục hòa bình”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh Uỷ ban đã đang và có rất nhiều hoạt động giáo dục hòa bình, vì vậy cần tiếp tục thực hiện và phát huy các hoạt động này. Song song với đó, sẽ xây dựng chương trình, nội dung khung, tổ chức toạ đàm khoa học và biên soạn sách về giáo dục hòa bình. Bên cạnh đó Ủy ban cần xây dựng một trang thông tin điện tử để phối hợp với hệ thống báo chí của Liên hiệp Hữu nghị tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.
Theo Báo Thời đại.